Tiểu sử Po_Dhar_Kaok

Po Dhar Kaok vốn là con trai của Po Klan Thu. Năm 1822, do cuộc nổi dậy của Ja Lidong, ông kế nhiệm cha làm phó vương, trong khi chính cha ông được tôn lập làm chánh vương. Tước hiệu của ông lúc đó là Cei Dhar Kaok[1]. Vào năm 1828 thì Po Klan Thu băng hà, quan Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt bèn lập Cei Phaok The làm chánh vương với tước hiệu Po Phaok The, còn ông vẫn tại nhiệm phó vương nhưng được ban tước mới Po Dhar Kaok.

Trong nội bộ chính phủ Panduranga không nhất quán về thái độ bất tuân triều Nguyễn để hoàn toàn thần phục chính phủ Gia Định của Po Phaok The, vì trước sau gì xứ này cũng không đủ sức kháng cự nếu gây mếch lòng hai thế lực đó. Một số quan chức của Po Phaok The ra mặt phản đối kịch liệt và yêu cầu ông đấu dịu với triều đình Huế. Khoảng đầu năm 1932, nhân khi tình hình sức khỏe của Lê Văn Duyệt có biểu hiện suy sụp, Minh Mệnh đế sai người đi bắt Po Phaok The và Po Dhar Kaok về giam cầm tại Huế. Vua ban cho Po Phaok The Hán danh Nguyễn Văn Thừa và phong tước Diên Ân bá, lại ban tên Nguyễn Văn Nguyên (阮文元) cho Po Dhar Kaok, đều phải an trí ở kinh đô. Chưa đầy một tháng sau, Lê Văn Duyệt từ trần, không còn mối lo nào nữa, vua hạ lệnh xóa sổ quy chế Thuận Thành trấn, đặt Bình Thuận phủ và cử quan trực tiếp trấn nhậm. Sự kiện này được giới khoa học coi là đánh dấu kết lịch sử tự trị của người Panduranga cũng như Champa.

Nhưng sau khi Po Phaok The đã bị bắt giam, một số tu sĩ như Katip SumatJa Thak Wa xách động quần chúng nổi dậy. Nhằm tháng 4 năm Ất Mùi (1835), sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa Ja Thak Wa, Minh Mệnh đế hạ lệnh xử giảo cả Po Phaok The và Po Dhar Kaok. Đồng thời, tức giận vì những cuộc phản kháng của người Chăm, Minh Mệnh cho phép quân đồn trú tàn sát bất cứ palei nào chứa chấp tội đồ hoặc có biểu hiện chống đối, lại bắt người Chăm từ bỏ các tập tục lâu đời để học dần theo văn hóa Hán, tên họ cũng phải đổi sang âm Hán[2]. Theo Đại Nam thực lục, vào tháng 12 năm 1835, vua ban đạo dụ như sau: "Đất man đã lệ thuộc bản đồ của ta từ lâu, dân man cũng là con đỏ của ta, phải nên bảo ban dìu dắt, để ngày một nhiễm theo Hán phong. Phàm những thứ cần dùng đều phải học tập Hán dân, chăm việc làm lụng. Đến như ngôn ngữ thì bảo họ dần dần tập nói Hán âm. Ăn uống và áo quần cũng dạy cho dần dần theo Hán tục. Ngoài ra, hễ có điều gì phải đổi bỏ thói hủ lậu mà làm cho giản tiện dễ dàng thì cũng tùy cơ chỉ bảo. Thông cảm họ dẫu là man mọi, nhưng cũng có lương tri và lương năng. Hun đúc thấm nhuần, dùng Hạ biến di, đấy cũng là một đường lối thay đổi phong tục"[3].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Po_Dhar_Kaok http://khamphataynguyenminhson.blogspot.com/2015/0... http://nghethuatxua.com/lich-su-33-nam-cuoi-cung-c... http://www.nguoicham.com/document/140/champa-d%C6%... http://dev.champaka.info/images/stories/CHAMPAKA/T... http://truongan.name/?p=4568 http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&Categ... http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News=6... https://web.archive.org/web/20160420183240/http://... https://web.archive.org/web/20160513150108/http://...